Tin tức - sự kiện >> Tin tức tập đoàn 

Hiệu quả từ hòn than - Tiếng nói của người trong cuộc

Thứ 4, 01/10/2014

 Hiệu quả từ Hòn than - Tiếng nói của người trong cuộc (Kỳ I)

 
Ngành Than nước ta đã có lịch sử 175 năm, công lao đóng góp cho đất nước nhiều vô kể. Điều ấy khó ai có thể phủ nhận đuợc. Hiện tại, Ngành Than đang lo đầu vào cho hơn 10 ngàn MW nhiệt điện chạy than, tiến tới sản lượng điện chạy than chiếm trên 50% sau 2025. Dự kiến tổng nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2015 khoảng 23 triệu tấn, năm 2020 trên 67 triệu tấn và đến năm 2030 cần khoảng 150 triệu tấn… Đấy mới chỉ là nhu cầu than cho sản xuất điện chưa nói đến nhu cầu than cho các ngành khác như như xi măng, hóa chất, luyện kim,…Thế mới thấm thía bài học từ thời phổ thông: “Than là bánh mì công nghiệp”; “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ". Thử hỏi nếu Ngành Than không đáp ứng kịp, phải nhập than thì đầu vào của điện và một số ngành kinh tế những năm qua sẽ thế nào? Không chỉ có thế, than còn đảm bảo công ăn việc làm cho cả chục vạn lao động, đồng thời là gần nửa triệu người phụ thuộc theo sản xuất than. Và như vậy, hòn than giữ hai vị trí, vai trò quan trọng đó là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an sinh xã hội vùng mỏ - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Để hiểu sâu hơn câu chuyện về hiệu quả kinh doanh của Ngành Than trong 20 năm qua - từ thời điểm thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tạp chí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Biên, Phó TGĐ phụ trách mảng kinh tế - tài chính của Tập đoàn.

 

* Thưa ông, ông có thể khái quát một cách cô đọng nhất hiệu quả hoạt động của TKV 20 năm qua? 
 
Trong 20 năm qua Ngành Than đã có bước tiến khá nhanh, vững chắc đáp ứng nhu cầu về than của nền kinh tế và đã giành một phần để xuất khẩu bù lỗ cho thị trường nội địa trong nhiều năm và tăng tích lũy, mua thêm máy móc và nguyên liệu để phát triển kinh tế, đảm bảo việc làm, thu nhập, an sinh xã hội trên địa bàn, đồng thời xây dựng, tăng công suất để đáp ứng cho sự tăng trưởng cao trong các năm tới: Tổng sản lượng than thương phẩm sản xuất 20 năm: 525 triệu tấn, trong đó năm 2011 đạt cao nhất là: 45 triệu tấn, gấp 7,5 lần khi mới thành lập TVN, lợi nhuận đạt 8,6 ngàn tỷ đồng. Từ năm 2012, do bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, hiệu quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2011, nhưng cơ bản NgànhThan vẫn giữ được ổn định sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động. Năm 2014, dự kiến các sản phẩm chủ yếu của Tập đoàn đã có mức tăng trưởng so với năm 2013. Vốn CSH của TKV tăng từ 900 tỷ vào năm 1995 đồng lên 33 ngàn tỷ đồng năm 2013, gấp 37 lần khi mới thành lập TVN. Nộp ngân sách hàng năm 13 -16 ngàn tỷ đồng.

Có được những kết quả trên là do TKV đã xác định đúng mục tiêu chiến lược, tích cực hoàn thiện tổ chức, đẩy mạnh thăm dò xác minh thêm trữ lượng than, đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp, sản lượng tăng cao, năng suất tăng, hiệu quả kinh doanh tăng, vốn CSH tăng. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh nhất là trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động, còn nhiều khó khăn.
 
* Năng suất lao động là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, ông có thể đánh giá về vấn đề này? 
 
Năng suất lao động (NSLĐ) tổng hợp năm 2011 (là năm Ngành Than Việt Nam đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay) bằng 4 lần so với năm 1995 là năm thành lập TVN (sản lượng than thương phẩm tăng từ 6 triệu tấn lên 45 triệu tấn, tăng 7,5 lần nhưng lao động chỉ tăng 1,8 lần). Nguyên nhân của sự tăng trưởng về NSLĐ NgànhThan trong giai đoạn này là do năng lực sản xuất được giải phóng bởi quá trình sắp xếp mô hình tổ chức hợp lý các mỏ than, do các công nghệ khai thác mới được áp dụng, do áp dụng các cơ chế khoán quản đã tạo động lực, tạo ra sức bật về năng suất lao động và một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là do thị trường tiêu thụ than giai đoạn đến 2011 có sự tăng trưởng cao đã kích thích sản xuất.

Tuy nhiên, sau năm 2011 NSLĐ không tăng so với năm đỉnh cao 2011 do: Tỷ trọng than khai thác bằng công nghệ hầm lò ngày càng tăng (hao phí lao động hầm lò cao hơn nhiều lần lộ thiên: từ năm 2011 đến năm 2015 tỷ trọng than hầm lò tăng từ 45%lên 56%; sản lượng sản xuất bị khống chế vì thị trường tiêu thụ, trong khi một số công đoạn vẫn phải duy trì đủ để bảo vệ hầm mỏ (nhất là thông gió, thoát nước,...) đồng thời giữ chân thợ lò chờ đến khi sản xuất phục hồi; do lợi nhuận giảm, đầu tư cơ giới hóa hạn chế, chậm tiến độ. Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến NSLĐ chưa thể tiếp tục tăng. 
 
Về NSLĐ trực tiếp: khai thác lò chợ tăng từ 1,9 tấn/công vào năm 1995 lên 4,7 tấn/công vào năm 2014; máy xúc EKG tăng từ 400 ngàn m3/năm lên trên 800-1000 ngàn m3/năm; ô tô vận chuyển than đất từ 400 ngàn tkm/năm lên trên 1 triệu tkm/năm (do đổi mới thiết bị có năng suất cao hơn),... 
 
Công nghệ và năng suất trực tiếp khâu khai thác lộ thiên có thể nói đã tương đương với nhiều nước, nhưng trong hầm lò cũng do điều kiện địa chất phức tạp, việc áp dụng công nghệ mới, tổ chức quản lý còn hạn chế cho nên năng suất lao động của TVN còn thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Câu chuyện giá thành trong than khá nhiều người quan tâm, xin ông cho biết tình hình thực hiện giá thành than những năm qua
 
Năm 2001, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4363/VPCP-CN ngày 11/10/2000 về việc giao Ban Vật giá Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Công Nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng Công ty Than Việt Nam và các cơ quan liên quan tính toán xác định giá bán than cho các ngành điện, xi măng, giấy, phân bón theo nguyên tắc: bù đắp chi phí hợp lý và có lãi định mức nhất định để phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường... Từ đó, hằng năm Tập đoàn xây dựng giá thành và báo cáo các bộ xem xét, kiểm tra, làm cơ sở xây dựng giá bán than (tuy vậy giá than cho điện đến năm 2014 mới đảm bảo bù đắp giá thành). Giá thành than năm 2011 là 1.116.580 đồng/tấn, năm 2014 là: 1.407.000 đồng/tấn, tăng 5-10%/năm. 
 
* Vậy theo ông giá thành than hiện nay là cao hay thấp ạ?
 
Để đánh giá cao hay thấp, trước tiên, có thể xem xét cơ cấu giá thành than như sau:Z than = Chi phí khai thác + sàng tuyển, vận chuyển + thuế, phí
 
Trong đó: Chi phí khai thác chiếm 80-82%; Sàng tuyển, vận chuyển tiêu thụ 5-7%; Thuế, phí 13% trong giá thành. Riêng đối với than xuất khẩu, giá thành còn cộng thêm 10% thuế GTGT không khấu trừ. 
 
Ví dụ: Đối với khai thác mỏ lộ thiên, để khai thác 1 tấn than lộ thiên trung bình hiện nay phải bóc 10,7 m3/t, chi phí bóc đất đá trung bình 80.000 đồng/m3 (gồm khoan, nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển cung độ 3,83 km thì đơn giá này thuộc mức thấp hiện nay). Tổng chi phí bóc đất là: 10,7 x 80.000 = 856.000 đồng/tấn. Cộng với chi phí khác thác, bơm nước,... 10%. Hệ số thu hồi than sạch là 85% (trừ 15% đất đá trong than phải sàng tuyển thải loại). Chi phí sàng tuyển + thuế: 20% thì giá thành than tiêu thụ sẽ là: 856.000 đồng x 1,1 : 0,85 : 0,8 = 1.386.000 đồng/tấn, tương đương 65 USD/tấn.
 
Như vậy, trong giá thành khai thác lộ thiên thì chi phí nhiều nhất là bóc đất đá, mà chi phí này có thể đem so sánh với chi phí trong xã hội do các ngành kinh tế khác thực hiện như xây dựng, khai thác mỏ đá,... có đơn giá do các Bộ Ngành ban hành, đơn giá thi công tại các địa phương. Với đơn giá tính ở trên 80.000 đồng/m3, bao gồm khoan, nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển cung độ 3,83 km thì chi phí của NgànhThan thuộc mức thấp nhất hiện nay (Tập đoàn đã tính toán, so sánh với đơn giá xây dựng, khai thác mỏ đá và các ngành tương đương báo cáo nhiều cơ quan thanh, kiểm tra xem xét).
 
Đối với khai thác hầm lò khi xuống sâu thì giá thành sẽ cao hơn.
 
* Theo ông thì nguyên nhân gì đã làm giá thành than tăng trong những năm qua ?
 
Các nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến là:
 
- Ngành Than VN đã khai thác trên 100 năm, khác với các nhà máy, diện khai thác mỏ mỗi ngày dịch chuyển xuống sâu hơn vào trong lòng đất, bóc đất, đào lò, cung độ vận chuyển tăng (từ năm 1995 đến 2014: để khai thác 1 tấn than thì phải bóc đất tăng từ 3,4 m3/tấn lên 10,7 m3/tấn, tăng 3,1 lần, cung độ vận chuyển đất tăng 3,72 lần từ 1,03 km lên 3,83 km; hai yếu tố này đã làm chi phí khai thác tăng 5 lần), áp lực mỏ lớn, khí, nước nhiều,... làm cho chi phí thông gió, thoát nước, vận tải tăng cao (các mỏ hầm lò trước đây khai thác trên mức nước tự chảy +00, nay nhiều nơi đã xuống sâu đến -200-300m).
 
Hiện nay, mỗi năm Ngành Than phải đào khoảng 350 km đường hầm (tiết diện trung bình 10 m2 ở độ sâu đến -300 m so với mặt nước biển), bóc đất đá 250 triệu m3 vận chuyển đi cung độ 3,83 km.
 
- Suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay (suất đầu tư hầm lò 10 năm qua từ gần 60 USD/tấn lên 150 - 180 USD/tấn công suất).
 
- Ngoài ra các loại thuế, phí trong giá thành tăng (từ năm 2005 đến 2014 tính theo tỷ lệ % giá thành tăng 13 lần, nếu tính số trị tuyệt đối thì mức tăng cao hơn). 
 
- Giá cả đầu vào tăng, tiền lương và chế độ người lao động được điều chỉnh phù hợp. 
 
- Sản lượng các năm gần đây giảm cũng tác động đến chi phí cố định cho 1 tấn than tăng...
 
TKV tuy đã thực hiện khoán quản chi phí, có nhiều giải pháp tích cực giảm giá thành nhưng cũng còn những tồn tại cần khắc phục.
 
* Hiện nay các loại thuế phí áp dụng đối với sản phẩm than như thế nào, cao hay thấp thưa ông?
 
Các loại thuế phí trong giá thành gồm: Thuế tài nguyên 7-9%: Bình quân 8%; Phí môi trường 10.000 đồng/tấn than nguyên khai, thuế môi trường 20.000 đồng/tấn: 2,5%; Tiền cấp quyền khai thác: 2%; Các loại thuế phí khác: 0,5%
 
Cộng than trong nước: 13% thuế trong giá thành; thuế GTGT: 10%. 
 
Đối với than xuất khẩu: giá thành còn cộng thêm 10% thuế GTGT đầu vào không khấu trừ thì tổng số thuế trong giá thành là 23% và thuế xuất khẩu than 10%.
 
Riêng thuế tài nguyên than: Năm 2005, thuế suất than hầm lò là 1%, lộ thiên là 2% và thì hiện nay hầm lò là 7% và lộ thiên là 9%, tiền cấp quyền khai thác 2%, phí sử dụng tài liệu địa chất nộp ngân sách. Trong khi công tác môi trường tại doanh nghiệp, TKV vẫn phải thực hiện khoảng 1,5% giá thành, chi phí thăm dò khoảng 2% giá thành. (So với thuế TN than của Úc là: 7% đối với lộ thiên, 6% đối với hầm lò và5% nếu xuống sâu 400m và giá tính thuế được trừ chi phí sàng tuyển, vận chuyển tiêu thụ, thăm dò; phí cấp cứu mỏ,...; không có thuế XK than).
 
Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh than của Việt Nam hiện nay?
 
Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, nhu cầu năng lượng giảm, Ngành Than cả thế giới với sản lượng khoảng 7 tỷ tấn/năm, hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, giá bán than giảm khoảng 30% so với năm 2011. VINACOMIN đã có nhiều giải pháp cả về sắp xếp hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế khoán quản chi phí (như nêu ở trên NSLĐ tăng 4 lần, giá thành nếu loại trừ 4 yếu tố khách quan thì giảm -2%/năm). Cho nên, xét về khả năng cạnh tranh có thể nói là than của Việt Nam đang ở mức trung bình. Một chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh rất quan trọng đó là: khả năng sinh lời, trả gốc và lãi vay (EBIDA):
 
EBIDA = Lợi nhuận trước thuế + khấu hao và lãi vay thì than của Việt Nam với sản lượng khoảng 40 triệu tấn/năm vẫn thuộc loại trung bình khá (khoảng 12-15 USD/tấn, trong khi nhiều nước chỉ có 5-10 USD/tấn).
 
VINACOMIN đã tham gia thị trường trái phiếu quốc tế và trong nước từ năm 2009, các chỉ số tài chính được đánh giá theo chuẩn mực và công bố minh bạch hàng năm. Theo công bố của tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế Standard & Poor thì xếp hạng VINACOMIN hiện nay là (B+) ổn định là nhóm thứ hai chỉ sau 2 công ty than lớn một của Mỹ và một của Trung Quốc (BB-). Rất nhiều công ty than khác trên thế giới đang xếp loại C, kể cả các công ty có giá thành không cao, nhưng EBIDA thấp thì vẫn xếp loại C. Vì vậy, hiện nay nhiều mỏ than trên thế giới phải tạm thời đóng cửa. Giá thành khai thác của VINACOMIN thuộc nhóm trung bình, điều kiện khai thác khó khăn, nhưng than Anthraxit của VINACOMIN thuộc loại có giá trị cao, cho nên tuy hiệu quả kinh doanh giảm nhiều so với năm 2011, nhưng VINACOMIN vẫn giữ được mức ổn định (có EBIDA 12-15 USD/tấn). So với than của INDONESIA, giá thành chỉ có 40-50 USD/tấn, nhưng độ ẩm cao hơn than Việt Nam 20%, giá bán trên thế giới cũng thấp hơn khoảng 10-15 USD/tấn, cho nên cũng có xếp hạng không cao. Nhiều mỏ than của Úc có giá thành trên 75 USD/tấn,... Xét trong dài hạn, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác, tuy đã áp dụng công nghệ cao, mỏ ít người, nhưng sau nhiều năm khai thác than đã phải dừng vì khi xuống sâu giá thành tăng cao 120-150 USD/tấn. 
 
Hiện nay, Tập đoàn đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh đến năm 2020, đặc biệt là các giải pháp nhằm tăng năng suất, giảm giá thành và đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện khắc phục những tồn tại, bất cập. Hy vọng trong thời gian tới cùng với sự phục hồi của thị trường, sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực cố gắng của Tập đoàn, chắc chắn hệ số tín nhiệm của VINACOMIN tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh của Ngành Than sẽ tiếp tục tăng. Đặc biệt khi nhu cầu than cho điện ngày càng cao, vai trò của Ngành Than càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến an ninh năng lượng quốc gia.
 
Chúng ta có thể bàn về công tác quản trị chi phí của TKV được chứ, thưa ông?
 
Ngay từ khi mới thành lập, Tổng Công ty TVN (nay là Tập đoàn TKV) đã quan tâm đến công tác khoán quản trị chi phí. Từ năm 2002, TVN triển khai ký hợp đồng giao nhận thầu khai thác với các đơn vị thành viên. Theo đó: TVN là đơn vị giao thầu, các công ty than là các nhà thầu khai thác thuê cho TVN và được thanh toán theo chi phí hợp lý tính theo định mức, công nghệ trung bình tiên tiến, phù hợp với điều kiện khai thác từng khoáng sàng, từng mỏ cộng với lợi nhuận định mức. 
 
Từ năm 2006, TKV áp dụng khoán giá thành theo đơn giá công đoạn tổng hợp áp dụng cho từng điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ, công nghệ, khoáng sàng khác nhau - một phương pháp quản lý chi phí, giá thành khoa học, tiên tiến; đơn giá được ban hành niêm yết công khai từng công đoạn sản xuất. Điều này, đã đảm bảo sự bình đẳng, tạo ra sự công khai minh bạch hơn, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị tham gia kế hoạch phối hợp kinh doanh. 
 
Do có cơ chế khoán quản chi phí hợp lý đã tạo động lực cho đơn vị tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng thu nhập cho người lao động, Tập đoàn tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển các mỏ mới, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thăm dò chuẩn bị tài nguyên cho phát triển bền vững. Đặc biệt trong điều kiện khủng hoảng như năm 2008, 2009, 2012-2014 nhưng do chủ động quản trị được chi phí cho nên Tập đoàn luôn đảm bảo được các cân đối lớn chung toàn TKV, Tập đoàn và các đơn vị đã vượt qua khủng hoảng nhanh và tiếp tục duy trì tăng trưởng. TKV đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giá bán than cho các hộ điện, xi măng, giấy, phân bón, cung cấp đủ than, mặc dù giá than cho các hộ này trong nhiều năm qua còn thấp hơn giá thành. Trong đó, năm 2008 TKV đã bán cho các hộ này dưới giá thành khoảng 2 ngàn tỷ đồng, năm 2009: 2,5 ngàn tỷ đồng, năm 2010:3,1 ngàn tỷ đồng, năm 2011 thấp hơn giá thành 5,6 ngàn tỷ đồng, năm 2012 thấp hơn giá thành 6,4 ngàn tỷ đồng, năm 2013 thấp hơn giá thành 3,0 ngàn tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, trong công tác khoán quản chi phí của các đơn vị vẫn còn những tồn tại cần phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện trong công tác quản lý kỹ thuật, vật tư, lao động tiền lương,... đã được Tập đoàn phân tích đánh giá, nhận xét giám đốc, các đơn vị hàng năm và đặt ra các yêu cầu phải thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
         
* TKV đã áp dụng các giải pháp gì để tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh?
 
Các giải pháp chính đã áp dụng nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh có thể kể đến như:
 
Đầu tư công nghệ, thiết bị, quản lý kỹ thuật cơ bản để nâng cao hiệu quả kinh doanh:
 
- Trong khai thác than lộ thiên: TKV đã đầu tư đồng bộ hoá dây chuyền các mỏ lộ thiên theo sơ đồ công nghệ sử dụng xe tải trọng lớn 58 - 60 tấn và xe đến 100 tấn cùng với máy xúc 5-12 m3/gầu; máy khoan thuỷ lực, nổ mìn dịch vụ, máy cày xới, máy xúc thuỷ lực gầu ngược để đào sâu đáy mỏ và xúc chọn lọc than, xe ôtô khung mềm... Việc đầu tư các thiết bị khai thác hiện đại có công suất lớn đã nâng cao sản lượng mỏ lộ thiên (mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu đều đạt sản lượng 3-4 triệu tấn/năm, mỏ Núi Béo năm 2011 đạt trên 5 triệu tấn) và góp phần tăng năng suất máy móc thiết bị. 
 
- Trong khai thác than hầm lò: TKV đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cơ giới hoá trong khai thác hầm lò ở tất cả nơi nào có điều kiện cơ giới hoá được. Hiện tại, tỷ lệ lò chợ sử dụng cột thủy lực đơn, giá chống/khung chống thủy lực di động so với tổng số than khai thác đã đạt trên 95%. Các công ty than Nam Mẫu, Khe Chàm đã triển khai đưa máy khấu than kết hợp với giá thủy lực hoặc dàn chống tự hành vào khai thác than tại lò chợ, nâng công suất lò chợ cơ giới hóa tại Công ty than Khe Chàm lên đến 388.168 tấn/năm 2006 (công suất thiết kế 400.000 tấn/năm), NSLĐ lên tới 10,6 tấn/công, tăng gấp đôi so với NSLĐ lò chợ giá thủy lực di động).
 
Công suất lò chợ bình quân từ năm 1995 đến 2014 tăng từ 36 ngàn tấn/năm lên 130 ngàn tấn/năm, tiêu hao gỗ chống lò giảm từ 54 m3/1000 tấn than hầm lò xuống còn 14,3 m3/1000 tấn. Năm 2013 tốc độ đào lò đá bình quân đạt 56 m/gương/tháng, lò than đạt 72 m/gương/tháng, tăng 20% so với năm 2005.
 
Các đơn vị sản xuất đã tăng cường công tác tận thu tài nguyên, giảm được tỷ lệ % tổn thất than (lộ thiên giảm từ 7,23% năm 2007 xuống 5,60% năm 2012; hầm lò từ 29,19% năm 2007 xuống 24,40% năm 2012). Đồng thời, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm ngoài than. 
 
Đổi mới tổ chức sản xuất và đổi mới quản lý: Giảm khâu trung gian, để giải phóng năng lực sản xuất. Đến hết năm 2014, toàn bộ các công ty sản xuất than của TKV ở Quảng Ninh đều đã hoạt động theo mô hình 1 cấp. Định biên về số lượng viên chức quản lý doanh nghiệp (số phó giám đốc không quá 5 người); số lượng, cơ cấu các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ không quá 15 phòng. Sắp xếp, đổi mới cơ cấu, chất lượng lao động; cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động; áp dụng cơ chế khoán quản chi phí... là loạt các giải pháp quan trọng nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế nước nhà nói chung, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nói riêng đang chịu tác động mạnh mẽ của suy thoái kinh tế. Các đơn vị của Tập đoàn đang chuyển nhanh công nghệ khai thác xuống sâu, các chi phí về thăm dò, khai thác, vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động, môi trường... đều tăng cao; nhu cầu về vốn rất lớn. Song, Ngành Than đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng than cho nền kinh tế và nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, hàng vạn thợ mỏ vẫn đang kiên trì vượt qua khó khăn, tiếp tục phấn đấu để xây dựng ngành than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp như Bác Hồ hằng mong muốn.
 
* Xin cảm ơn ông!
 
Kỳ tới: Các giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh.
 
Nguồn: Vinacomin

Background