Tin tức - sự kiện >> Tin tức tập đoàn 

Hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên đã thu được kết quả ban đầu khả quan đầy hứa hẹn

Thứ 2, 04/12/2017

 1. Tổng quan về hai dự án bauxit thí điểm

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng và định hướng của Nhà nước được cụ thể hóa trong ”Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015 có xét đến năm 2025” phê duyệt tại Quyết định số 167/QĐ - TTg ngày 1/11/2007 và “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” phê duyệt tại Quyết định số 2427/2011/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai thực hiện đầu tư hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên gồm Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là Dự án Alumin Tân Rai) và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (gọi tắt Dự án Alumin Nhân Cơ) với mục tiêu hiện thực hóa trong thực tế hoạt động khai thác bô xít, chế biến alumin quy mô công nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại tại Việt Nam, qua đó khẳng định, làm rõ tính khả thi về công nghệ, hiệu quả kinh tế - xã hội, giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, văn hóa, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa định hướng tiếp theo về phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm nhằm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản bô xít dồi dào phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên và cả nước nói chung.(1)

Dự án Alumina Tân Rai

- Tên dự án: Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng.

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

- Địa điểm xây dựng: Tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

- Diện tích sử dụng đất: Khoảng 2.297,8 ha (trong đó diện tích Nhà máy alumin và tuyển khoảng 677,8 ha, diện tích khai thác mỏ khoảng 1.620 ha).

- Sản phẩm: Alumin dùng cho sản xuất nhôm kim loại với hàm lượng Al2O3 trong alumin 98,6%.

- Quy mô công suất: 650 ngàn tấn alumin/năm.

- Giải pháp công nghệ chủ yếu: Sản xuất alumin bằng phương pháp Bayer, hoà tách ở nhiệt độ 145oC và áp suất khoảng 4-5at, có kết hợp công đoạn tiền khử silic (khử silic trước khi hòa tách). Nhiên liệu sử dụng cho lò nung hydroxit nhôm là khí than.

- Tổng mức đầu tư: Theo Quyết định số 1953/QĐ-HĐQT ngày 4/9/2009 là 11.353 tỷ đồng; điều chỉnh theo Quyết định số 2034/QĐ-VINACOMIN ngày 22/10/2013 là 15.414 tỷ đồng).

- Nguồn vốn đầu tư: Vốn của Chủ đầu tư: 20% - 30%; Vốn vay trong và ngoài nước: 70% - 80%.

- Tiến độ xây dựng Dự án: Từ năm 2006 đến năm 2013.

- Hình thức QLDA: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thông qua Ban QLDA.

- Hiệu quả của Dự án:

+ Theo Quyết định số 1953/2009/QĐ-HĐQT: Số năm lỗ kế hoạch: 3 năm; NPV = 4.417.555 triệu đồng (với tỉ suất chiết khấu bình quân 8,3%); IRR = 12,5%; Thời gian hoàn vốn (kể từ khi đi vào hoạt động) 9,3 năm; các loại thuế phải nộp bình quân 539.733 triệu đồng/năm; phí môi trường bình quân 61.422 triệu đồng/năm.

+ Theo Quyết định số 2034/QĐ-VINACOMIN: Số năm lỗ kế hoạch: 4 năm; NPV = -120.607 triệu đồng (với tỉ suất chiết khấu bình quân 8,3%); IRR = 8,21%; Thời gian hoàn vốn (kể từ khi đi vào hoạt động) 11,5 năm; các loại thuế phải nộp bình quân  422.089 triệu đồng/năm; phí môi trường bình quân 125.531 triệu đồng/năm.

- Nội dung Dự án: Gồm 3 phần chính:

+ Phần Khai thác mỏ bô xít: Quặng bô xít nguyên khai được khai thác từ mỏ bô xít Tây Tân Rai (thuộc huyện Bảo Lâm). Vỉa quặng có chiều dày từ 4-10m, nằm dưới lớp đất phủ dày từ 0,5-3,0m. Khai thác quặng theo phương pháp lộ thiên. Sau khi bóc lớp đất phủ, quặng được xúc bằng máy xúc lên ô tô chở về nhà máy tuyển quặng, nằm ngay trong khu mỏ. Công suất thiết kế mỏ: 4.318.000 tấn/năm (quặng bô xít nguyên khai). 

+ Phần Nhà máy tuyển quặng bô xít: Quặng bô xít nguyên khai đưa vào nhà máy tuyển được nghiền nhỏ và rửa sạch, thành quặng tinh bô xít, rồi chở bằng băng tải cấp cho nhà máy alumin với khoảng cách khoảng 4,5 km. Công suất thiết kế nhà máy tuyển: 1.600.950 tấn/năm (quặng tinh khô).

+ Phần Nhà máy alumin: Quặng tinh bô xít tiếp tục được nghiền nhỏ, trộn với dung dịch có chứa xút (NaOH) ở nhiệt độ 1450C và áp suất trung bình 4-5 at, để tách lấy hydroxit nhôm Al(OH)3 ở dạng dung dịch lỏng. Kết tinh dung dịch này được hydroxit nhôm Al2O3.3H2O ở dạng rắn. Tiếp theo nung hydroxit nhôm ở nhiệt độ khoảng 1.0000C cho bay hơi nước trong mạng tinh thể thu được alumin Al2O3 ở dạng rắn (hình dạng giống như bột mì trắng).

Dự án Alumin Nhân Cơ:

- Tên dự án: Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ.

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

- Địa điểm xây dựng: Tại huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông.

- Diện tích sử dụng đất: Khoảng 4.140 ha (trong đó điện tích Nhà máy alumin và tuyển khoảng 850,0 ha, diện tích mỏ bô xít khoảng 3.290 ha).

- Sản phẩm: Alumin dùng cho sản xuất nhôm kim loại với hàm lượng Al2O3 trong alumin 98,6%.

- Quy mô công suất: 650.000 tấn alumin/năm.

- Giải pháp công nghệ chủ yếu: Sản xuất alumin bằng phương pháp Bayer (tương tự như Dự án Alumin Tân Rai).

- Tổng mức đầu tư: Theo Quyết định số 04/2010/QĐ-HĐQT ngày 26/02/2010 là 11.624,2 tỷ đồng; điều chỉnh theo Quyết định số 193/QĐ-VINCOMIN ngày 14/02/2014 là 16.822 tỷ đồng (đã bao gồm VAT).

- Nguồn vốn đầu tư: Vốn của Chủ đầu tư: 20% - 30%; Vốn vay trong và ngoài nước: 70% - 80%.

- Tiến độ dự án: Theo Hợp đồng EPC với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) là 24 tháng, tính tiến độ kể từ ngày 18/10/2010 đến 18/10/2012.

- Hình thức QLDA: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thông qua Ban QLDA.

- Hiệu quả của Dự án:

+ Theo Quyết định số 04/2010/QĐ-HĐQT: Số năm lỗ kế hoạch: 6 năm; NPV = 204.444 triệu đồng (với tỉ suất chiết khấu bình quân 8,0%); IRR = 8,24%; Thời gian hoàn vốn (kể từ khi đi vào hoạt động) 10,3 năm; các loại thuế phải nộp bình quân 895.984 triệu đồng/năm; phí môi trường bình quân 109.544 triệu đồng/năm.

+ Theo Quyết định số 193/2014/QĐ-VINACOMIN: Số năm lỗ kế hoạch: 5 năm; NPV = -573.437 triệu đồng (với tỉ suất chiết khấu bình quân 8,0%); IRR = 7,62%; thời gian hoàn vốn (kể từ khi đi vào hoạt động) 12 năm; các loại thuế phải nộp bình quân  272.524 triệu đồng/năm; phí môi trường bình quân 125.531 triệu đồng/năm. 

- Nội dung Dự án: Gồm 3 phần chính:

+ Phần Khai thác mỏ bô xít: Quặng bô xít được khai thác từ mỏ bô xít Nhân Cơ (thuộc huyện Đắk RLấp). Vỉa quặng có chiều dày từ 3 - 5m, nằm dưới lớp đất phủ dày khoảng 1,0-3,0m. Khai thác quặng theo phương pháp lộ thiên. Sau khi bóc lớp đất phủ, quặng được xúc bằng máy xúc lên ô tô chở về nhà máy tuyển quặng, nằm trong khu mỏ. Công suất thiết kế mỏ: 4.500.000 tấn/năm (quặng bô xít nguyên khai).

+ Phần Nhà máy tuyển quặng bô xít: Quặng bô xít nguyên khai đưa vào nhà máy tuyển được nghiền nhỏ và rửa sạch thành quặng tinh bô xít, rồi chở bằng băng tải cấp cho nhà máy alumin với khoảng cách khoảng 5,0 km. Công suất thiết kế nhà máy tuyển: 1.650.000 tấn/năm (quặng tinh khô).

- Phần Nhà máy alumin: Tương tự như Dự án Alumin Tân Rai.

  1. Quá trình triển khai thực hiện Dự án và kết quả đạt được

Dự án Alumin Tân Rai:

  1. a) Quá trình triển khai thực hiện:

- Phần Khai thác mỏ bô xít: Công tác xây dựng mỏ do TKV tự thực hiện, đến cuối năm 2012 đã hoàn thành và đưa mỏ vào sản xuất, cấp quặng bô xít nguyên khai cho Nhà máy tuyển quặng bô xít. Đến cuối tháng 11/2013 đã khai thác được 1.924.000 tấn quặng bô xít nguyên khai cấp cho nhà máy tuyển. 

- Phần Nhà máy tuyển quặng bô xít: Phần trong hàng rào nhà máy do Nhà thầu liên danh VMC-VMEC-NARIME-VINAINCON thực hiện (theo hình thức gói thầu EPC) (liên danh 04 nhà thầu trong nước là: Công ty Cổ phần Chế tạo máy - TKV, Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị và Xây lắp công trình, Viện nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam), phần ngoài hàng rào nhà máy do TKV và các nhà thầu trong nước thực hiện. Đến cuối năm 2012 công tác xây dựng đã hoàn thành. Đầu năm 2013, Nhà thầu đã bàn giao nhà máy cho TKV tiếp nhận vận hành. Đến cuối tháng 11/2013 đã sản xuất được 648.000 tấn quặng tinh bô xít cấp cho nhà máy alumin.

- Phần Nhà máy alumina: Phần trong hàng rào nhà máy do nhà thầu Công ty Công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc (China Aluminum International Engineering Co. Ltd, viết tắt là Chalieco) của Trung Quốc thực hiện (theo hình thức hợp đồng EPC), phần ngoài hàng rào nhà máy do TKV và các nhà thầu trong nước thực hiện. Cuối năm 2012 công tác xây dựng đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu Chalieco đã tiến hành chạy thử có tải toàn bộ nhà máy. Trong quá trình chạy thử đã thu được sản phẩm alumin. Từ ngày 19/09/2013 đến ngày 26/09/2013 (7 ngày) đã tiến hành chạy sát hạch các chỉ tiêu cam kết vận hành nhà máy theo hợp đồng EPC để bàn giao đưa Nhà máy vào vận hành thương mại, kết quả nhà máy đã vận hành đạt 100% công suất thiết kế, chất lượng alumin cơ bản đạt theo thiết kế, riêng hàm lượng Al2O3 vượt thiết kế (thiết kế ≥ 98,6%, kết quả đạt được 99,1%).

Từ ngày 1/10/2013 nhà thầu Chalieco đã bắt đầu bàn giao nhà máy alumin cho TKV tiếp nhận vận hành.

  1. b) Kết quả đạt được:

- Công suất thực tế của Nhà máy alumin: Sau gần 4 năm vận hành chính thức, sản lượng alumin (quy đổi) hàng năm như sau: Quý 4/2013 đạt 92.900 tấn, năm 2014 đạt 474.200 tấn, năm 2015 đạt 546.400 tấn, năm 2016 đạt 599.100 tấn, 6 tháng đầu năm 2017 đạt 326.000 tấn, dự kiến năm 2017 đạt công suất thiết kế 650.000 tấn.

- Các giải pháp công nghệ chủ yếu sản xuất alumin: Thực hiện đúng theo Quyết định đầu tư Dự án: sản xuất alumin bằng phương pháp Bayer.

- Tổng mức đầu tư: Tổng mức đầu tư điều chỉnh (sau thuế) tháng 10/2013 là 15.414 tỷ đồng, tăng 4.061 tỷ đồng, bằng 35,8% so với Dự án phê duyệt năm 2009 là 11.353 tỷ đồng.

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư: tăng do nguyên nhân khách quan chiếm khoảng 73,4%, bao gồm tăng lãi vay, chi phí đền bù GPMB, biến động tỷ giá, trượt giá và thuế VAT; tăng do nguyên nhân chủ quan chiếm khoảng 26,6%, bao gồm tăng chi phí khác chưa tính đến (thu xếp vốn, vật tư, nguyên liệu chạy thử), chi phí QLDA và tư vấn đầu tư, v.v.

- Giá trị vốn đầu tư đã thực hiện: 15.218,31 tỷ đồng/15.414,43 tỷ đồng, bằng 98,73% TMĐT được duyệt.

- Nguồn vốn đầu tư: Vốn của Chủ đầu tư thực hiện khoảng 20%, vốn vay trong và ngoài nước khoảng 80%.

- Về tiến độ thực hiện: Theo tiến độ hợp đồng gói thầu EPC thì tiến độ Nhà máy tuyển chậm khoảng 1,5 năm và Nhà máy alumin chậm hơn 2 năm.

* Các chỉ tiêu đạt được so với thiết kế:

- Chất lượng sản phẩm alumin ổn định, bằng và cao hơn thiết kế đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Sản lượng alumin sản xuất và tiêu thụ (gồm cả sản lượng hydrat quy đổi 1,53 tấn hydrat = 1 tấn alumin) qua các năm tương ứng là (ngàn tấn): Quý 4/2013: 92.900 và 44.700; năm 2014: 474,2 và 487,5; năm 2015: 546,4 và 500,3; năm 2016: 599,1 và 652,7; kế hoạch năm 2017: 650 và 650, đạt công suất thiết kế.

- Các chỉ tiêu kỹ thuật đạt so với thiết kế, trong đó một số chỉ tiêu tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng cho một tấn sản phẩm tinh quặng bô xít và alumin thấp hơn so với thiết kế.

Đặc biệt, sản phẩm alumin/hydrat của Dự án đã được tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng sang các thị trường Trung Đông, Malaysia. Nói chung, sản phẩm alumin của Dự án được khách hàng tin dùng.

Hiệu quả kinh tế: Năm 2014 lỗ 1.019.077 triệu đồng (lỗ sản xuất 926.546 và lỗ do chênh lệch tỷ giá 92.531); năm 2015  lỗ 1.031.825 triệu đồng (lỗ sản xuất 736.071 và lỗ do chênh lệch tỷ giá 295.754); năm 2016 lỗ 618.969 triệu đồng (lỗ sản xuất 513.489 và lỗ do chênh lệch tỷ giá 105.480); năm 2017 kế hoạch lợi nhuận trước thuế 86.340 triệu đồng (6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ước đạt 60 tỷ đồng, chưa tính chênh lệch tỷ giá). Như vậy thời gian lỗ kế hoạch của Dự án giảm 01 năm (từ 4 năm còn 3 năm) so với dự tính năm 2014. Dự án thực hiện đầy đủ các quy định và nghĩa vụ về tài chính: đã trích khấu hao tài sản cố định 2.813 tỷ đồng, trả lãi vay 1.206 tỷ đồng, trả gốc vay 521 tỷ đồng và 144.769.000 USD (tương đương 3.657 tỷ đồng, bằng khoảng 30% tổng số nợ vay). Ước tính đến năm 2025 (tức sau 12 năm đi vào vận hành thương mại), Dự án sẽ đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn trả nợ vay đầu tư. Điều quan trọng là để nâng cao hiệu quả của Dự án, chủ đầu tư TKV đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng và quản trị chi phí, nhờ đó đã giảm đáng kể giá thành sản xuất alumin, so với năm 2014 (năm đầu đi vào sản xuất) năm 2015 giảm 517 ngàn đồng/tấn, năm 2016 giảm 559 ngàn đồng/tấn và kế hoạch năm 2017 giảm 172 ngàn đồng/tấn.

Đến nay, Dự án đã nộp ngân sách nhà nước tổng cộng khoảng 2.235 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho 1.700 lao động với thu nhập bình quân trong giai đoạn 2015-2017 từ 7,4 đến 7,7 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo thêm công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và các ngành nghề kinh tế khác có liên quan phục vụ cho quá trình khai thác, tuyển quặng bô xít và sản xuất, tiêu thụ alumin.

Về an ninh, quốc phòng: Kết quả đến thời điểm bàn giao Dự án đưa vào sử dụng (10/2013) không xảy ra sự cố nào về an ninh, quốc phòng, tất cả lao động nước ngoài làm việc trong quá trình thi công xây dựng dự án đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng lao động và quản lý lao động người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Sau khi Dự án đi vào vận hành, hầu hết số lao động nước ngoài trên đã về nước, chỉ còn lại một số ít của Nhà thầu Chalieco làm hồ sơ quyết toán công trình.

Về bảo vệ môi trường: Trong quá trình vận hành sản xuất, Dự án không có các sự cố lớn, chỉ xảy ra một vài sự cố nhỏ (như sạt lở đê phụ hồ chứa quặng đuôi ngày 8/10/2014, rò rỉ nước bơm từ hồ bùn đỏ về Nhà máy tuyển ngày 13/02/2016), nhưng đã được Chủ đầu tư (TKV) xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về vật chất và môi trường, không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân trong khu vực. Các hồ thải quặng đuôi và hồ bùn đỏ đã được xây dựng và quan trắc môi trường định kỳ; xây dựng phương án và tổ chức tập luyện ứng cứu sự cố đầy đủ, đảm bảo xử lý kịp thời trường hợp có sự cố; xây dựng các hệ thống kênh xả tràn dự phòng để ứng phó trường hợp khi xảy ra hiện tượng thời tiết mưa cực đoan; thường xuyên kiểm tra, rà soát tất cả các công trình hồ, đập, bãi thải; thực hiện duy tu, bảo trì sửa chữa, gia cố các nơi có nguy cơ có thể xảy ra trước mùa mưa bão; cắm biển cảnh báo và lắp đặt camera giám sát, theo dõi sự hoạt động của các hồ, v.v.

Đặc biệt, công tác hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác của Dự án đã được thực hiện theo đúng Đề án cải tạo, phục hồi môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đất phủ (đất màu) được lưu giữ và sử dụng để hoàn thổ theo hình thức cuốn chiếu trong quá trình khai thác, tiếp đó đã tiến hành trồng cây hoàn nguyên. Năm 2014 đã trồng cây (chủ yếu là keo, có trồng xen thông) phục hồi môi trường được 18,5ha, năm 2015: 16,3 ha, năm 2016 trên 22 ha. Các cây trồng được chăm sóc và sinh trưởng tốt.

Ngoài ra, vấn đề nghiên cứu, xử lý, sử dụng bùn đỏ và tro, xỉ than của Nhà máy để sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, trong đó sản phẩm gạch không nung từ tro xỉ than đã được chấp nhận đưa vào sử dụng, hiện đang được tiêu thụ trên thị trường, việc sử dụng bùn đỏ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Dự án Alumin Nhân Cơ:

  1. a) Quá trình triển khai thực hiện:

- Phần Khai thác mỏ bô xít: Công tác thăm dò mỏ đã được TKV hoàn thành, được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt (Quyết định số 848/QĐ-HĐTLKS ngày 26/04/2012). Công tác xây dựng mỏ do TKV tự thực hiện, tương tự như đối với phần khai thác mỏ của Dự án Alumin Tân Rai.

Trong quá trình san gạt mặt bằng các hạng mục công trình của khu Công nghiệp Nhân Cơ, khu nhà máy tuyển và nhà máy alumin Nhân Cơ, đã thu hồi được trên 1,5 triệu tấn quặng bô xít nguyên khai, đủ để phục vụ công tác chạy thử của nhà máy tuyển quặng bô xít và nhà máy alumin.  

- Phần Nhà máy tuyển quặng bô xít: Gói thầu EPC nhà máy tuyển quặng bô xít Nhân Cơ (phần trong hàng rào nhà máy) do Nhà thầu liên danh VMC-VMEC-NARIME-VINAINCON thực hiện, là nhà thầu đã thực hiện Gói thầu EPC Nhà máy tuyển quặng bô xít của Dự án Alumin Tân Rai.

- Phần Nhà máy alumina: Phần trong hàng rào nhà máy cũng do nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện (theo hình thức hợp đồng EPC, được khởi công xây dựng ngày 28/2/2010), phần ngoài hàng rào nhà máy do TKV và các nhà thầu trong nước thực hiện.

  1. b) Kết quả đạt được:

- Gói thầu EPC nhà máy tuyển quặng và tuyến băng tải do Nhà thầu EPC trong nước thực hiện đã bàn giao cho TKV để vận hành ngày 15/5/2016 và đã sản xuất quặng tinh cấp cho Nhà máy alumin chạy thử.

- Gói thầu EPC Nhà máy alumin do Nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện, từ ngày 30/9/2016 Nhà máy chạy thử có tải đồng bộ, ngày 10/11/2016 ra sản phẩm trung gian hydrat và ngày 16/12/2016 ra sản phẩm alumin. Kết quả chạy thử đến hết tháng 6/2017 đạt 207.000 tấn alumin quy đổi, chất lượng đảm bảo theo thiết kế, đã tiêu thụ tốt trên thị trường. Trong quá trình chạy thử Nhà máy alumin để kiểm tra các chỉ tiêu cam kết theo hợp đồng EPC, đã đạt theo công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin/năm. Năm 2017 sản lượng theo kế hoạch là 350.000 tấn alumin/năm, TKV phấn đấu đạt công suất 500.000 tấn/năm (khoảng 77% công suất thiết kế).

- Giải pháp công nghệ chủ yếu sản xuất alumin: Đã thực hiện đúng theo Quyết định đầu tư dự án: sản xuất alumin bằng phương pháp Bayer.

- Tổng mức đầu tư: Tổng mức đầu tư điều chỉnh (sau thuế) tháng 02/2014 tăng 44,7% so với Dự án phê duyệt năm 2010. Nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dự án cũng gồm các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan tương tự như Dự án Alumin Tân Rai.

- Giá trị vốn đầu tư thực hiện: Tính đến hết năm 2016 dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, giá trị thực hiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã phê duyệt là 16.822 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư: Vốn của Chủ đầu tư khoảng 20%, vốn vay trong và ngoài nước khoảng 80%.

- Về tiến độ thực hiện: Theo tiến độ hợp đồng Nhà máy alumin chậm hơn 4 năm.

Gói thầu EPC nhà máy tuyển quặng và tuyến băng tải theo hợp đồng chậm khoảng 2 năm.

* Các chỉ tiêu đạt được so với thiết kế:

Hiện nay, Nhà máy alumin Nhân Cơ đang trong thời gian chạy kiểm định các thông số kỹ thuật. Kết quả sát hạch tính năng giai đoạn 1 (từ ngày 13/01/2017 - 20/01/2017) cho thấy một số chỉ tiêu kỹ thuật tương đối tốt so với thiết kế.

Dự kiến Dự án sẽ đi vào vận hành thương mại trong quý IV/2017.

Về hiệu quả kinh tế: So với Dự án Alumin Tân Rai, Dự án này cơ bản có những thuận lợi đáng kể, nhờ đó sẽ có hiệu quả cao hơn, cụ thể là rút kinh nghiệm từ việc đầu tư, vận hành Dự án Alumin Tân Rai nên từ khâu thiết kế và thi công (Nhà máy tuyển, Nhà máy alumin, hồ bùn đỏ...), tổ chức sản xuất, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng... có sự điều chỉnh và cải tiến phù hợp hơn nên thời gian chạy thử nghiệm được rút ngắn, sản lượng alumin thu được trong thời gian chạy thử nhiều hơn và chất lượng sản phẩm tốt hơn, số lao động ít hơn, đặc biệt thị trường tiêu thụ thuận lợi: sản phẩm alumin cung cấp toàn bộ cho Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (ngay bên cạnh hàng rào Nhà máy alumin), giảm đáng kể chi phí vận chuyển, thất thoát, chi phí thuê kho, bao gói và các dịch vụ khác có liên quan (khoảng 35-40 USD/tấn). Ước tính sau 6 năm đi vào vận hành thương mại Dự án sẽ đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để trả nợ vay đầu tư. Tuy Dự án chưa đi vào vận hành thương mại, nhưng đến nay tổng số thuế, phí Dự án đã nộp ngân sách nhà nước tổng cộng 1.062,8 tỷ đồng, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 1.100 lao động, đang tuyển dụng tiếp khoảng 150 lao động, phần lớn là lao động địa phương, ngoài ra còn tạo thêm công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương và các ngành nghề kinh tế khác có liên quan phục vụ cho quá trình khai thác, tuyển quặng bô xít và sản xuất, tiêu thụ alumin.

Về an ninh, quốc phòng: Kết quả đến nay tại Dự án không xảy ra sự cố nào về an ninh, quốc phòng, tất cả lao động nước ngoài làm việc trong quá trình thi công xây dựng dự án đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng lao động và quản lý lao động người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Sau khi Dự án hoàn thành xây dựng và đi vào chạy thử, chuẩn bị vận hành thương mại, hầu hết số lao động nước ngoài đã về nước, chỉ còn lại 49 người (quản lý, kỹ sư 17 người, công nhân kỹ thuật, phiên dịch 32 người) để hướng dẫn vận hành nhà máy alumin và làm hồ sơ quyết toán công trình.

Về bảo vệ môi trường: Trong quá trình xây dựng, chạy thử, chuẩn bị sản xuất thương mại, Dự án không có các sự cố lớn, chỉ xảy ra hai sự cố nhỏ như sự cố làm tràn xút tại Nhà máy alumin (Vào lúc 8 giờ 14 phút ngày 23/7/2016 tại mặt bằng Nhà máy xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm S002b, kéo dài trong 4 phút) và sự cố phát tán bột trắng từ Nhà máy alumin (tối ngày 27/6/2017, tại khu vực lò nung hydrat, khi đang tiến hành xả đáy lò nung tại 2 đường ống xả V21, V22, sản phẩm alumin xả đáy được chứa trong bể chứa hở, do gặp gió lớn đã làm phát tán bột alumin xả đáy ra một vài hộ dân cách Nhà máy khoảng 700m theo hướng gió). Các sự cố đã được khắc phục kịp thời, không gây thiệt hại về người và ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường. Sau các sự cố nêu trên, TKV và Nhà thầu đã tổ chức rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, loại trừ các sự cố nói chung và các sự cố tương tự có thể xẩy ra. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ Dự án Alumin Tân Rai, Chủ đầu tư chuẩn bị một loạt các giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường và phòng ngừa sự cố như Dự án Tân Rai đang thực hiện: lắp đặt các cửa chặn (có van chặn) và hệ thống giám sát tự động độ pH phía trước các cửa xả nước mặt từ mặt bằng Nhà máy alumin ra môi trường, để kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải; xây dựng bổ sung các hệ thống thu nước nhiễm kiềm từ mặt bằng Nhà máy alumin khi có sự cố, hệ thống quan trắc khí thải nhà máy nhiệt điện; thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác quặng bô xít, v.v.

Qua các kết quả đạt được nêu trên cho thấy hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên: Dự án Alumin Tân Rai và Dự án Alumin Nhân Cơ - hai đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm Việt Nam mặc dù gặp không ít khó khăn, gian nan trong quá trình triển khai thực hiện nhưng đến nay đã thực sự “chào đời mạnh khỏe” với những kết quả đạt được ban đầu khả quan đầy hứa hẹn: đảm bảo đạt công suất thiết kế, công nghệ sản xuất phù hợp, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật ngày càng được cải thiện, đạt và vượt thiết kế, chất lượng sản phẩm đảm bảo, được các khách hàng tin dùng, thị trường ngày càng rộng mở, hiệu quả kinh tế từng bước được khẳng định, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường, bước đầu đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước nói chung. Có thể nói việc hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động hai dự án thí điểm: Dự án Alumin Tân Rai và Dự án Alumin Nhân Cơ là một mốc son quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành công nghiệp khai khoáng nói chung và ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm nói riêng của Việt Nam.

Bài tiếp: Vạn sự khởi đầu nan của hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên.

 

 (1): Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 14-TB/TW ngày 15/8/2006 về dự án khai thác bôxít, sản xuất alumin tại Đắk Nông đã khẳng định: Bộ Chính trị tán thành triển khai dự án, dự án này nằm trong chủ trương lớn là thăm dò, khai thác bôxít, chế biến alumin và luyện nhôm nhằm xây dựng ngành công nghiệp nhôm, một ngành kinh tế có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Vì vậy, các nhà máy chế biến alumin và luyện nhôm cần đặt tại tỉnh Đắk Nông để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Tại Thông báo 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị đã kết luận: Trong thời gian tới, phát triển ngành công nghiệp khai thác bôxít, chế biến alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng. Trong giai đoạn đầu sản xuất alumin, cần khẩn trương đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện, cung cấp một phần cho việc luyện nhôm để nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bôxit phục vụ trong nước và xuất khẩu; Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai 2 dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, lựa chọn công nghệ hiện đại; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện. Quá trình triển khai 2 dự án này cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác. Trên cơ sở kết quả của 2 dự án, tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

 

 

Background