Tin tức - sự kiện >> Tin tức khác 

Quy hoạch 60 điều chỉnh: Điểm nhấn thăm dò trữ lượng than

Thứ 6, 11/09/2015

 Sự biến động về nhiên liệu ngày càng phức tạp, việc điều chỉnh Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 phù hợp với thực tế là cần thiết, đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế của đất nước.


 

                                                                                                                                       Đó là nội dung chính Hội thảo Khoa học Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1-9, tại Hà Nội.

Việt Nam đang là nước nhập khẩu năng lượng, mặc dù cũng xuất khẩu than và dầu thô. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để tài nguyên năng lượng của Việt Nam không chỉ thích ứng với biến đổi của thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế những năm tới mà còn đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng, Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Quy hoạch 60) đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 60, ngày 9-1-2012 đã và đang đảm bảo cung cấp đủ than cho phát triển kinh tế, tạo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ như nhiệt điện than, xi măng, hóa chất… gia tăng, trong bối cảnh điều kiện thăm dò khai thác không thay đổi, kéo theo nhu cầu điều chỉnh Quy hoạch 60 cho phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh của ngành Than, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp - Vinacomin cho biết, Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch 60 gồm 6 chuyên đề chính. Cụ thể: Tài nguyên, trữ lượng và công tác thăm dò; Phân giao quản lý tài nguyên giữa Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc; Quy hoạch khai thác, sàng tuyển, vận tải ngoài và cảng xuất, nhập khẩu than; Dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước và cân đối cung cầu; Nhu cầu nhập khẩu than và nguồn nhập khẩu; Phân tích kinh tế, tài chính và các giải pháp thực hiện.

Nhất trí về việc cần sửa đổi Quy hoạch 60, nhưng ông Trần Viêt Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nội dung điều chỉnh như trên, chỉ là “tính cua trong lỗ”.

Thăm dò trữ lượng, khâu quan trọng và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, khai thác than. Theo ông Trần Viêt Ngãi, vấn đề quan trọng nhất trong Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch 60 là phải xác định được nguồn than, sau đó mới tính đến các kế hoạch triển khai.

Thực tế, vấn đề thăm dò trữ lượng than được đề cập từ nhiều năm qua nhưng đến nay chưa hoàn thành. Nguyên nhân khâu thăm dò trữ lượng của ngành Than những năm qua trục trặc được ông Trần Viết Ngãi xác định là do “những vướng mắc trong thủ tục cấp phép của Bộ Tài nguyên Môi trường”.

Trong Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Than trong 5 năm phải hoàn thành công tác thăm dò, xây dựng được 28 mỏ mới, mở rộng 61 mở cũ… Vấn đề thăm dò một lần nữa được nhắc lại trong Quy hoạch 60, nhưng mục tiêu hoàn thành kéo dài tới năm 2020.

Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, tới đây Chính phủ, Bộ Công Thương cần giao cho TKV và Tổng công ty Đông Bắc hoàn toàn đảm bảo công tác thăm dò trữ lượng, đồng thời, tạo cơ chế vốn cho các đơn vị này đầu tư mở mỏ mới, cùng với đó là thời gian nhất định phải hoàn thành.

Theo tính toán của ông Ngãi, bây giờ ngành than đầu tư cho phát triển 10 mỏ, mỗi mỏ 20 triệu tấn/năm, thì 5-7 năm nữa sẽ có thêm 20 triệu tấn, cộng với 40 triệu tấn/năm hiện nay, sẽ đáp ứng nhu cầu 60-70 triệu tấn/năm cho thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng là tiền vốn đầu tư. Nếu doanh nghiệp ngành than đi vay, phải có vốn đối ứng và đây là bài toán khó. Giả định, một năm đầu tư khoảng 40-50 nghìn tỷ đồng, ngành Than phải có khoảng 10 nghìn tỷ đồng làm vốn đối ứng.

Ông Ngãi cho rằng, tới đây việc nhập khẩu than sẽ vẫn khó, cần tận dụng tối đa sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ tạo nguồn vốn đối ứng cho TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Một vấn đề nữa, bây giờ Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới. Thế giới đang hạn chế nhiệt điện đốt than, nhưng Việt Nam lại tăng cường lĩnh vực này. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… từ nhiều năm qua đã chủ yếu dùng khí hóa lỏng để xây dựng nhà máy điện.

Với xu hướng phát triển hiện nay, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, nếu Việt Nam không có một tầm nhìn bao quát toàn bộ ngành năng lượng, việc phát triển kinh tế giai đoạn tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Với quan điểm đó, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương đề nghị Chính phủ lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, trong đó nêu cụ thể quy hoạch các phân ngành.

Hội thảo mang tính chất chuyên ngành cao, các đại biểu đã góp ý thẳng thắn, chất lượng cho các vấn đề liên quan đến công tác thăm dò, khai thác, xuất nhập khẩu than… nhằm hoàn thiện Quy hoạch 60 điều chỉnh để Bộ Công Thương hoàn chỉnh và sớm trình Chính phủ.

NGUỒN: NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Background