Bức chỉ dụ khai sinh ra ngành công nghiệp khai thác than
Thứ 4, 16/11/2016
Cho đến khi bức chỉ dụ của vua Minh Mạng chuẩn y việc khai thác than đá đã được tìm thấy, người ta mới có căn cứ xác nhận mốc ra đời của ngành công nghiệp khai thác than ở nước ta.
Phiên bản bức chỉ dụ của vua Minh Mạng được trưng bày ở phòng truyền thống của Công ty than Mạo Khê.
Tương truyền than đá được người xưa phát hiện từ lâu. Còn theo sử sách đến đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn mới bắt đầu chú ý đến việc khai thác và sử dụng than đá. Vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ chuẩn y sớ tấu lấy sức dân khai thác một ngàn tấn than ở núi Yên Lãng (xã Yên Thọ, TX Đông Triều ngày nay) chuyển về kinh đô Huế sử dụng, chủ yếu dùng trong việc đúc tiền và rèn vũ khí. Sách “Đại Nam thực lục” có chép sự việc này: “Tháng 12-1839, Tổng đốc Hải Yên là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê mướn dân đào than ở núi Yên Lãng, Đông Triều. Trước đó, Bộ Hộ đã tự đào lấy 10 vạn cân đưa nộp về kinh. Vua phê bảo: Dân hạt đó vừa mới được hồi lại, sao nỡ đem việc chưa cần kíp ra làm mệt nhọc người ta, chầm chậm lại cũng chưa muộn”.
Bản chỉ dụ được vua Minh Mạng viết bằng mực đỏ trên một tấm lụa tơ tằm, màu vàng cách điệu. Tấm lụa dài 115cm, rộng 55cm, trên mặt có dệt rồng, mây, cùng các ô hoa văn chữ thọ, hoa sen, xung quanh diềm có các dải băng hoa chanh cách điệu. Nội dung bức chỉ dụ này được dịch như sau: Tháng này, Tổng đốc Hải Yên Tôn Thất Bật tâu xin thuê dân công đào mỏ lấy than ở núi Yên Lãng, Đông Triều thuộc hạt đó. Trước đây, Bộ Hộ đã tư cho hạt đó đào lấy 10 vạn cân than đúng kỳ chở về kinh đô giao nạp. Trẫm nghĩ nhân dân hạt đó vừa mới lại được yên ổn, sao nỡ đem việc không gấp gáp mà làm họ vất vả. Cứ thư thư mà làm nhưng không bỏ bễ là được.
Bọn Bật lại tâu hạt đó sau biến cố vừa dẹp giặc xong, vụ mùa vừa mất, thu hoạch kém, đời sống rất khó khăn, dân đều tình nguyện làm thuê để lấy tiền nuôi thân. Nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót, cần chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng chớ sơ suất để an ủi sự ưu huệ hết lòng của Trẫm đã muốn ra ân cho dân. Khâm thử. Minh Mệnh năm thứ 20 ngày 6-12.
Bức dụ trên mang đậm tính nhân văn bởi đức vua muốn kiểm soát quan lại không được vắt kiệt sức dân. Đặc biệt nó đã giải quyết công ăn việc làm cho dân, góp phần an sinh xã hội. Đồng thời bức dụ cũng cho phép xác nhận mốc ra đời, chính thức mở ra ngành công nghiệp khai thác than trên đất nước ta: Ngày 10-1-1840 (tức ngày 6-12 năm Minh Mệnh thứ 20). Và vua Minh Mạng, được tôn thờ là người có công khai sáng, là ông tổ của ngành khai thác than. Công cuộc khai thác than đá đã hình thành đội ngũ thợ mỏ ở địa phương để khai thác than đá tại Đông Triều trước khi Triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp để lập Công ty Than Đông Triều vào năm 1888.
Địa điểm mà bức chỉ dụ đề cập là núi Yên Lãng thuộc thôn Trại Hà, xã Yên Thọ, cách TP Hạ Long hơn 50km. Khu vực này gần đường vận tải của vỉa số 9 gần hồ Cầu Cuốn gần bãi thải của mỏ Mạo Khê và vẫn còn dấu tích bãi đúc tiền cổ. Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam đã được khoanh vùng di tích. Đây là một quần thể di tích, có hai khu: Khu Miếu Mỏ rộng 40ha và khu đền Bà Chúa Kẽm, rộng 3,5ha, cách nhau khoảng hơn 1km. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận “Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam” tại núi Yên Lãng là di tích cấp tỉnh. Sau đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã duyệt đề cương và dự toán lập nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích nhằm biến nơi đây thành nơi du lịch về nguồn của ngành Than Việt Nam.
Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên cùng với bức chỉ dụ, miếu Trại Hà là niềm tự hào về truyền thống lịch sử công cuộc khai mỏ, hình thành đội ngũ công nhân mỏ của Việt Nam.
Nguồn: NangluongVietnam Online