Tin tức - sự kiện >> Tin tức tập đoàn 

Bauxit Tây nguyên: Phản biện với phản biện

Thứ 5, 19/12/2013

Bauxite Tây Nguyên: Phản biện với phản biện
Những ngày này, Tổ hợp Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) hoạt động đạt 100% công suất thiết kế; sản phẩm làm ra tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Tin vui này bước đầu khẳng định chủ trương khai thác thí điểm tiềm năng bauxite ở Tây Nguyên của Đảng là đúng đắn. Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng chủ trương đó và đã đưa ra những thông tin, số liệu trên các trang mạng xã hội chưa đứng sự thật, làm xáo trộn dư luận.
 

Những tấn alumin đầu tiên
 
Phóng viên Tạp chí TKV là những nhà báo đầu tiên được vào Tây Nguyên từ khi các dự án bauxite - nhôm (gọi tắt) bắt đầu khởi động và cũng được tham dự nhiều cuộc họp; được tiếp cận nhiều tài liệu về Dự án; được phỏng vấn nhiều nhà quản lý, điều hành dự án; được phỏng vấn một số vị lãnh đạo cấp xã, huyện, tỉnh của Lâm Đồng và Đăk Nông; gặp già làng và bà con các dân tộc ở Tân Rai và bon Pù Dấp - nơi có dự án. Với những thông tin thu thập được, chúng tôi khẳng định, một số thông tin quan trọng, đăng trên các báo và các trang mạng xã hội chưa đúng với thực tế, khiến dư luận hiểu sai lệch về Dự án, gây ảnh hưởng không tốt  và thiệt hại không nhỏ đối với Dự án. 
 
Trước khi công bố những phản biện của chúng tôi với các phản biện trên các báo và các trang mạng xã hội, chúng tôi xin được cung cấp cho bạn đọc mấy thông tin nổi bật như sau:
 
1- Một số người lên tiếng phản đối Dự án bauxite nhôm Tây Nguyên nhưng chưa hề đến Tây Nguyên để xem Dự án triển khai ra sao; chưa bao giờ gặp những người chỉ đạo, lập, điều hành Dự án; cũng chưa hề gặp lãnh đạo địa phương và đồng bào các dân tộc nằm trong dự án để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào. 
 
2. Đến nay, đã có 7 đồng chí trong Bộ Chính trị (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng v.v.) và rất nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Quốc hội, các bộ, các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đến Tây Nguyên, khảo sát, đánh giá, kết luận về Dự án bauxite nhôm. Trong đó, Kết luận của Bộ Chính trị, số 245, ngày 24/4/2009 về Quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác, chế biến sử dụng bauxite giai đoạn 2007 -2015 có xét đến 2025 nêu rõ: “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại  hội X của Đảng đến nay. Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bauxite, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước... góp phần phát triển kinh tế- xã hội Tây Nguyên.
 
Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite với bước đi cụ thể và chỉ đạo triển khai 2 dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin đầu tiên tại Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông); đồng thời, chỉ đạo tìm kiếm, lựa chọn đối tác nước ngoài có năng lực để hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng và đầu tư xây dựng ngành công nghiệp bauxite, alumin, nhôm. 
 
Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là đơn vị có kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản làm chủ đầu tư thực hiện 2 dự án và chủ trì đàm phán với các đối tác nước ngoài”.
 
Không phải người Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên! 
 
Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cho người nước ngoài (Trung Quốc) vào KHAI THÁC BAUXITE ở Tây Nguyên; thậm chí người nước ngoài còn lấy vợ, sinh con, lập bản ở Tây Nguyên. Thông tin này hoàn toàn sai! Đơn vị được Vinacomin giao nhiệm vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên là Công ty Than Hà Tu. Ngày áp Tết năm 2010, một đoàn xe do Công ty than Hà Tu thuê chở thiết bị khai thác vào Tây Nguyên (chuyến đi này có Nhà báo Trần Giang Nam, phóng viên Tạp chí TKV). Sau Tết, Công ty than Hà Tu mới đưa tiễn hơn 100 CNCB vào Tây Nguyên khai thác bauxite. 
 
Thực tế, người Trung Quốc ở Tây Nguyên mà mọi người nhầm tưởng họ đến đây để KHAI THÁC BAUXITE, thực ra họ là chuyên gia, công nhân kỹ thuật, lao động thủ công tham gia xây dựng các nhà máy thuộc Dự án.
 

Công nhân của nhà thầu tại Tân Rai 
 
Chúng tôi được biết, Dự án này không lớn; không phải là công trình trọng điểm Quốc gia nên không phải thông qua Quốc hội (tổng mức đầu tư nhỏ hơn Dự án khai thác than Khe Chàm II-IV của Vinacomin). Theo luật định, Vinacomin tổ chức công khai đấu thầu quốc tế về việc thiết kế xây dựng nhà máy sản xuất Alumin và thuê một nước thứ ba đánh giá thẩm định Dự án. Khi tổ chức mở thầu có sự tham gia của trọng tài quốc tế, cuối cùng chỉ có 3 nhà thầu Trung Quốc tham gia - Các tập đoàn nhôm trên thế giới chỉ muốn liên doanh khai thác và xây dựng nhà máy chứ họ không muốn làm nhà thầu xây dựng Nhà máy. Qua đấu thầu, Tập đoàn Chalieco chuyên sản xuất Alumin - nhôm của Trung Quốc đã thắng thầu.
 
Lâu nay, ở Việt Nam, rất nhiều công trình thuộc các lĩnh vực: điện, hóa chất, xi măng, giao thông v.v. các nhà thầu Trung Quốc đều thắng thầu chứ đâu chỉ riêng Dự án bauxite nhôm ở Tây Nguyên! Họ trúng thầu thì họ có quyền thuê nhân công, kể cả người nước họ; xây dựng xong công trình, bàn giao cho bên A, họ rút chuyên gia về nước chứ họ đâu có KHAI THÁC BAUXITE như dư luận đồn thổi. Cũng như các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện như: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh; Nhiệt điện Sơn Động, Nhiệt điện Cao Ngạn v.v. đều do các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu; thi công xong, họ đã rút chuyên gia về nước.         
 
Ở nước ta, công nghệ sản xuất alumin - nhôm hoàn toàn mới mẻ. Đến nay, nước ta chưa có ai là chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm về công nghệ luyện alumin-nhôm. Vậy thì sau khi trúng thầu, nhà thầu không huy động chuyên gia công nghệ và công nhân kỹ thuật ở nước ngoài thì biết huy động lực lượng này ở đâu? Mặt khác, các nhà thầu họ cũng muốn tạo công ăn việc làm cho công nhân doanh nghiệp của mình, nên ngoài những chuyên gia công nghệ, họ huy động cả lao động phổ thông để làm những công việc thô sơ, thậm chí những người không biết chữ. 
 
Nhưng dù là chuyên gia hay là lao động thủ công, khi sang Việt Nam, họ đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; phải qua các thủ tục nhập cảnh chứ đâu có tự do như… đi chợ! Lại có thông tin, nhiều người Trung Quốc làm ở công trường khai thác bauxite đã kết hôn với người Việt Nam. Việc người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và nhập tịch tại Tây Nguyên đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và quản lý nhà nước của địa phương; trách nhiệm này đâu thuộc Vinacomin! Vậy mà dư luận cho rằng, ở Tây Nguyên, nơi có hai Dự án có hàng nghìn công nhân nước ngoài; họ lấy vợ Việt Nam, thành lập cả ấp, bản! Thông tin này chưa chính xác. Trong hàng nghìn công nhân đó, có gần 1000 công nhân các nhà thầu Việt Nam. Cụ thể, đó là, tại Dự án tổ hợp Tân Rai, Công ty cổ phần Lilama 45.4 (Việt Nam) thi công toàn bộ hệ thống giá đỡ nhà máy với giá trị khoảng 9 triệu USD; một số đơn vị của Vinacomin cũng tham gia xây dựng hệ thống nhà ăn, nhà kho, trị giá khoảng 1 triệu USD; Công ty Cổ phần Pacific là đơn vị của Việt Nam tham gia cung cấp một số nguyên phụ liệu chính như cát, đá, sỏi, xi măng, hệ thống xe, máy trên công trường. Theo số liệu của Tập đoàn, đến tháng 4.2013, tại Nhân Cơ có 290 cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân kỹ thuật người Trung Quốc đang thi công công trình mà họ thắng thầu. Tại Tân Rai, hiện có khoảng 180 người nước ngoài.
 
Thông tin mới nhất mà nhóm phóng viên chúng tôi mới từ Tây Nguyên về khẳng định: hiện nay, dây chuyền nhà máy sản xuất alumin ở Tân Rai (Lâm Đồng) đã đi vào hoạt động, hàng trăm công nhân Nhà thầu đã rút về nước, chỉ còn lại các cán bộ quản lý, vận hành, bảo dưỡng thiết bị, chuyển giao công nghệ cho cán bộ công nhân Việt Nam vận hành.  


Những cáo buộc thiếu căn cứ về huỷ hoại môi trường Tây Nguyên

 

Dư luận quan ngại rằng, khai thác bauxite ở Tây Nguyên sẽ gây hậu quả nặng nề về môi trường. Rằng, Tây Nguyên sẽ bị tàn phá, nguồn nước sẽ bị cạn kiệt, độc tố sẽ thải ra sông Đồng Nai, dân cư lưu vực sông sẽ lĩnh đủ v.v. Thà không khai thác bauxite, cứ sử dụng đất mà trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, dân trong vùng dự án sẽ giàu hơn v.v. Chúng tôi khẳng định rằng, những cáo buộc đó không đủ căn cứ!
 
Thứ nhất, về rừng: Đất trong vùng dự án không có rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn để mà phá! Là bởi, quặng bauxite chỉ cách mặt đất chừng khoảng 6 - 8 mét. Khu vực có quặng bauxite thường thì cây không mọc được; chất lượng đất xấu. Theo thống kê, ở Tân Rai, diện tích chiếm đất cho toàn bộ đời dự án là 2.853 ha chiếm 2,9 phần nghìn diện tích tỉnh Lâm Đồng 9.773 km2); ở Nhân Cơ chiếm 4,6 phần nghìn diện tích tỉnh Đắk Nông (6.515 km2). Trong đó có một số diện tích nhỏ đất rừng sản xuất (rừng trồng), nhưng hoàn toàn không có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, đối với mỏ, mỗi năm chỉ có nhu cầu khai thác trên diện tích 60-80ha, sau đó hoàn thổ và từ năm thứ 3 trở đi có thể bắt đầu trồng lại rừng và cây công nghiệp.
 
Nếu làm giàu được từ cây công nghiệp, cây nông nghiệp trên mảnh đất này thì đồng bào ở đây giàu từ lâu rồi! Chúng tôi đã tới nhiều gia đình ở bon Pù Dấp - địa phương nằm trung tâm của dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), khi dự án đang đền bù, giải phóng mặt bằng, thấy toàn hộ nghèo. Bon Pù Dấp, đa số là người M' Nông, gần 100 hộ, với 867 nhân khẩu. Đồng bào nơi đây chủ yếu sống bằng nương rẫy. Nhiều gia đình làm rẫy rất xa. Trong bon còn 35 hộ còn nghèo, được hưởng chính sách ưu đãi theo chương trình 134, 135 của Chính phủ và số hộ còn lại có mức thu nhập trung bình.
 
Thứ hai, về chất thải sau khi khai thác chế biến bauxite:
 
Từ bauxite, chế biến thành alumin qua nhiều công đoạn, trong đó qua nhà máy tuyển để ra tinh quặng và từ tinh quặng qua nhà máy luyện thành alumin.
 
Đối với nhà máy tuyển: Không thải gì ảnh hưởng tới môi trường, bởi có hồ xử lý quặng đuôi là đất, khi thu hồi quặng tinh, nước thải đã được xử lý trong đảm bảo chất lượng khi thải ra môi trường.
 
Về nhà máy alumin: Khi có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, nhiều người cho rằng, Dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng thải bùn đỏ tương tự như thế. Thậm chí có ý kiến khẳng định, công nghệ xử lý bùn đỏ ở đây là “thải ướt”. Nhưng không phải như vậy! Ở đây xin nêu vắn tắt: Công nghệ thải bùn đỏ của nhà máy Tân Rai là công nghệ thải chồng lớp khô. Theo thiết kế, trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc thu hồi sút, làm đặc đạt 46,5% và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-15 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, có thể đi trên mặt hồ như bình thường. Nước hồ còn lẫn sút được thu hồi tái sử dụng.
 
Thứ ba, về nguồn nước: Các dự án Alumina Nhân Cơ và Lâm Đồng chỉ sử dụng nguồn nước mặt không sử dụng nguồn nước ngầm. Mặt khác, do sử dụng nước tuần hoàn trong công nghệ nên nước bổ sung cho dây chuyền sản xuất rất hạn chế; công nghệ này có thể nói nôm na như ta rửa rau, sau đó lấy nước rửa ra, lọc sạch, đem luộc rau. Chẳng hạn, đối với dự án Nhân Cơ, tổng nhu cầu nước cho nhà máy tuyển là 30 triệu mét khối/năm, trong đó 23 triệu mét khối sử dụng tuần hoàn, chỉ cần bổ sung 7 triệu mét khối nước. Tuy nhiên, Chủ đầu tư cho cải tạo hồ Cầu Tư, có dung lượng sau cải tạo khoảng 9 triệu mét khối nước, đủ cho nhu cầu nhà máy tuyển và cấp thêm khoảng 1 triệu m3 (cộng là 2 triệu m3) nước cho nước sinh hoạt và tưới tiêu của dân cư trong vùng. Đối với nhà máy alumin, nhu cầu nước là 4,4 triệu mét khối từ nguồn suối Dak R'Tih.
 
Tổ hợp bauxite Nhôm Lâm Đồng đã xây dựng hồ chứa nước Cai Bảng có dung tích khoảng 18 triệu m3, trong khi nhu cầu nước cho nhà máy tuyển và nhà máy alumin khoảng 11,4 triệu m3 (nhà máy tuyển khoảng 7 triệu m3 và nhà máy alumin khoảng 4,4 triệu m3), còn lại cấp bổ sung cho nước sinh hoạt và tưới tiêu của dân cư trong vùng.
 
Bởi vậy, chúng tôi khẳng định, những cáo buộc về ảnh hưởng của dự án khai thác chế biến bauxite đến tài nguyên rừng, nguồn nước, đến tài nguyên nước, đến lưu vực sông Đồng Nai hoàn toàn suy đoán, không có cơ sở!
 
Về  BÙN ĐỎ - đây là chuyện bé bị xé thành to!
 
Chúng tôi nói rằng, việc xử lý bùn đỏ trong công nghệ chế biến bauxite ở Tây Nguyên là “chuyện nhỏ” bởi hai khía cạnh. Thứ nhất, các hạng mục công trình xử lý bùn đỏ chỉ là một hạng mục công trình nhỏ hơn so với các hạng mục công trình khác (nhà máy tuyển, nhà máy luyện, nhà máy điện). Thứ hai, từ năm 2010, không còn tranh cãi gay gắt về công nghệ xử lý bùn đỏ đó nữa. Bởi, Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu hoàn toàn thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng cơ bản.
 
Sự việc bị xé to, trở nên phức tạp từ khi sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary. Nhiều người cho rằng, nguy cơ từ "túi bùn đỏ như quả bom treo lơ lửng trên Tây Nguyên"có thể trở thành thảm họa khi xảy ra sự cố hoặc chất thải bùn đỏ ngấm xuống nước ngầm gây họa lâu dài.
 
Rõ ràng, nếu hồ chứa bùn đỏ bị vỡ như ở Hungary, tác hại sẽ không lường đối với môi trường và môi sinh của đồng bào trong vùng Dự án; mặc dù dân trong vùng Dự án không nhiều, chỉ có 58 hộ phải di dời, trong đó 2 hộ người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nói dại, nếu nói về nguy cơ thì mọi con đập của công trình thủy điện đều có thể bị vỡ; mọi ngôi nhà cao tầng đều có thể bị sập - nếu tính toán lựa chọn hệ số kiên cố của công trình không đảm bảo an toàn. Và nếu thế thì tác hại của các công trình này còn khủng khiếp gấp trăm lần so với vỡ đập chứa bùn đỏ. Vậy thì, muốn ngăn chặn nguy cơ bùn đỏ, chỉ có cách thiết kế hồ đập đảm bảo an toàn trên cơ sở những dữ liệu của khoa học. Và, các con tính để đảm bảo an toàn về bùn đỏ đã được phê duyệt.
 
Vậy mà, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng loan tin đập chứa bùn đỏ ở Hungary bị vỡ, dư luận lại rộ lên nguy cơ bùn đỏ Tây Nguyên, vậy là các đoàn lại rầm rập kéo đến Tây Nguyên để kiểm tra, khảo sát; dự án lại đình trệ, lại phát sinh chi phí… Theo thống kê, chỉ tính tác động của dư luận xã hội sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, việc thi công hồ bùn đỏ bị đình trệ 7 tháng do phải rà soát, thẩm định và tái thẩm định TKKT v.v. Một dự án mà phát sinh rất nhiều chi phí như vậy, giai đoạn đầu không bị lỗ mới là lạ. Vấn đề này chúng tôi sẽ nêu sau.
 
Suốt 7 tháng trời, hàng nghìn công nhân các nhà thầu trong và ngoài nước không có việc làm và rất nhiều đoàn công tác của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các chuyên gia đến kiểm tra, khảo sát phương pháp xử lý bùn đỏ. Trong các đoàn đến Tây Nguyên để kiểm tra khảo sát bùn đỏ, đáng chú ý là đoàn công tác của Quốc hội và Chính phủ do GSTS. Đặng Vũ Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội dẫn đầu, làm việc tại Tây Nguyên từ ngày 3-7/11/2010. Trong đoàn có các cán bộ của Đảng, Quốc hội, các bộ ngành, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và nhiều nhà báo của các tờ báo lớn. Nội dung và kết luận của đoàn công tác đã được nhiều tờ báo lớn đăng tải. Thế nhưng, không hiểu sao, dư luận về bùn đỏ Tây Nguyên vẫn không hạ nhiệt. Chúng tôi có thể tóm lược những vấn đề mà đoàn công tác đã khảo sát, kết luận như thế này:  
 
Liên quan đến công nghệ xử lý hồ bùn đỏ và ảnh hưởng đối với môi trường, GSTS Đặng Vũ Minh đã đặt ra 8 câu hỏi đề nghị các nhà khoa học làm rõ. Đó là nguy cơ ô nhiễm nước, xảy ra lũ quét, động đất, mức độ an toàn của chân đập, tỷ lệ rắn lỏng trong bùn…
 
Các câu hỏi của GS TS Đặng Vũ Minh đã được Chủ đầu tư cũng như các nhà khoa học tham gia quản lý chất lượng công trình Dự án lần lượt trả lời. Theo đó, các ý kiến được trả lời đều khẳng định công nghệ xử lý hồ bùn đỏ và môi trường nói chung được đảm bảo an toàn, các nguy cơ như lũ quét, hồ bùn tràn… đều kiểm soát được.
 
Trong đó, GSTS. Nguyễn Chiến - Viện trưởng Viện Kỹ thuật công trình Trường đại học Thủy lợi, đơn vị được Bộ Công Thương chỉ định thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ- khẳng định: “Với thiết kế và giải pháp kỹ thuật của nhà thầu thì đảm bảo vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn, chúng tôi đã thử và tính toán độ an toàn của đập với nhiều trường hợp khác nhau, kể cả khi hồ đang làm việc mà xảy ra động đất, kết quả cho thấy an toàn kể cả với động đất cấp 7, dù ở Tây Nguyên chỉ động đất tới cấp 5". Theo GSTS Nguyễn Chiến, đập bị vỡ ở Hungary làm bằng bê tông trên nền đất nên khả năng bị trượt chân đập là rất cao do hai chất liệu không đồng nhất. Đập của chúng ta là đập đất nên khả năng trượt chân đập là rất khó bởi cùng chất liệu nên tính bền vững rất cao….
 
Trở lại với phản biện của chúng tôi. Qua nghiên cứu các tài liệu, qua tiếp xúc với các nhà khoa học, chúng tôi khẳng định rằng, phương pháp thải bùn đỏ mà Chalieco áp dụng ở Nhà máy Alumina Tân Rai và Nhân Cơ không phải là phương pháp thải ướt như một số ý kiến phản biện mà là phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking): bùn đỏ được rửa qua 5 bước rửa để thu hồi sút và 2 thiết bị cô đặc (thickener hay settler) để có nồng độ rắn (hay tỷ lệ rắn/lỏng) của bùn đạt 46,5% (1/1,15) thải ra khu chứa bùn đỏ với độ PH từ 10-12; Bùn được trải luân chuyển quay vòng từng lớp mỏng chồng lớp lên nhau trên khu thải để lớp bùn được thải trước đã khô khi bắt đầu trải lớp bùn tiếp theo.
 
Theo số liệu thống kê năm 2007 thì trên thế giới có khoảng 6% nhà máy thải bùn đỏ ra biển (phương pháp thải ướt), 24% nhà máy thải bùn đỏ ra hồ chứa (phương pháp thải ướt) và có tới 70% nhà máy sử dụng phương pháp thải chồng lớp khô (dry stacking). Còn một phương pháp nữa, nhưng trên thế giới ít áp dụng đó phương pháp thải khô (bùn cô đặc ở dạng bánh với nồng độ rắn lớn hơn hoặc bằng 65%).
 
Mới đây, phóng viên Tạp chí TKV tận mắt chứng kiến công nghệ xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên và được các chuyên gia giải thích về sự khác nhau về cách thải bùn đỏ ở Tây Nguyên và Hungary như thế này: Cách thải của Hungary là khác, độ loãng của bùn đỏ Hungary là loãng, chất rắn dưới 30% mà tiêu chuẩn là dưới 45%. Ở Dự án bauxite Tây Nguyên gọi là hồ chứa bùn đỏ mọi người sẽ liên tưởng đến nước, lõng bõng và có thể tràn ra ngoài.
 
Có ý kiến lo ngại rằng, mặc dù qua xử lý, lớp mặt của bùn đỏ khô. Nhưng khi mưa, lấy gì để “đậy” lại? Ý kiến này được các ông thuộc Chủ đầu tư giải thích, bùn đỏ sau khi xử lý, rất cứng và bền, nước mưa không thể hòa tan được. Mặt khác, hồ bùn đỏ có nhiều khoang chứa, xung quanh mỗi khoang chứa là hệ thống mương bê tông. Nước mưa sẽ chảy vào mương này và ra ngoài chứ không vào khu bùn đỏ. Khu chứa bùn đỏ có nhiều lớp chống thấm. Trong đó đầu tiên là đất sét dày khoảng 1m, lèn chặt theo đúng yêu cầu thiết kế, và tiếp theo là lớp sét 2 phân, tiếp theo là lớp vải địa kỹ thuật, tiếp đó dán lớp chống thấm 1.1mm lót bao kín mặt hồ, sau đó trên bề mặt đó, tiếp tục vải địa kỹ thuật và trên đó tiếp tục lèn sét và trên đó đặt các hệ thống ống và người ta đổ lớp vật liệu sỏi, cát to bao trùm lên và tiếp đó vải địa kỹ thuật. Bùn đỏ không phải thải ào ào do cách 30 mét lại có một hệ thống van ống thải, có khu trung tâm điều khiển.
 
Như phần đầu chúng tôi đã nêu, chúng tôi chỉ là những nhà báo, không phải là nhà khoa học. Nhưng được tiếp cận những nguồn thông tin chính thống về bùn đỏ, chúng tôi hoàn toàn tin rằng, bùn đỏ không đáng lo ngại như dư luận nhầm tưởng.
 
Chúng tôi được biết thêm, bùn qua xử lý không phải là một chất thải bỏ đi. Trên thế giới bùn đỏ đã được thí nghiệm làm thép thành công. Một ông Giám đốc dự án sản xuất thép từ bùn đỏ ở nước ngoài đã sang thăm Việt Nam và hy vọng có cơ hội hợp tác để sản xuất thép. Ngoài ra, bùn đỏ có thể sản xuất ra gạch không nung. Tuy nhiên, chi phí để sản xuất thép, sản xuất vật liệu xây dựng đều cao nên trước mắt để an toàn thì chôn lấp.
Sự nhầm tưởng về công nghệ chế biến bauxite; đường vận chuyển alumin và dự án cảng Kê Gà

 

Về công nghệ chế biến bauxite
 
Chúng tôi bác bỏ thông tin cho rằng, công nghệ chế biến bauxite ở Tây Nguyên là công nghệ lạc hậu của Trung Quốc và khẳng định: công nghệ được sử dụng trong 2 Dự án Alumin Tây Nguyên là công nghệ Bayer Châu Mỹ, hoà tách bauxite ở nhiệt độ 140-1450C, nồng độ kiềm thấp 160-170g/l. Đây là công nghệ chung của thế giới; thiết bị là do Trung Quốc chế tạo theo công nghệ Bayer Châu Mỹ, chứ không phải công nghệ của Trung Quốc! Theo thống kê 2007, trên thế giới có khoảng 27 nhà máy sản xuất alumin xử lý quặng bauxite gip-xit, trong đó 26 nhà máy áp dụng công nghệ này.
 
Tổ hợp NM Alumina Tân Rai (cũng như ở Nhân Cơ) có 3 nhà máy: Nhà máy Alumina 650.000 tấn alumina/năm; Nhà máy Nhiệt điện than công suất 30 MW (2 tổ máy x 15 MW) và Nhà máy khí hóa than cấp nhiệt để nung Hydrat chế biến thành Alumin.
 
Tại Tân Rai (Lâm Đồng), các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành. Tính đến đầu tháng 4/2013, đã khai thác hơn 1,6 triệu tấn quặng nguyên khai, sản xuất gần 265.000 tấn quặng tinh, 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn Hydrat. Giá trị thực hiện đầu tư gần 11.612 tỷ đồng (nhỏ hơn dự án Khe Chàm II-IV). Tiêu chuẩn alumina: Hàm lượng Al2O3 >98,6%. Hiện đã có nhiều công ty đang giao dịch mua alumin với Vinacomin, bao gồm các công ty ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malayxia, các nước Châu Âu, Trung Quốc… Đã có hợp đồng dài hạn với Công ty Marubeni Nhật Bản (200.000 tấn) và Công ty HH Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) 900.000 tấn (giảm xuống còn 25%). Các Công ty của Việt Nam cũng đang tiến hành các giao dịch để mua sản phẩm Alumin và Hydrat, phục vụ sản xuất trong nước (hóa chất lọc nước, phụ gia cho sản xuất vật liệu xây dựng). Ngày 25/5/2013, đã rót xuất lô hàng đầu tiên cho khách hàng Thụy Sỹ 15.000 tấn. Và hiện nay, Nhà máy Alumin Tân Rai đã chạy đạt công suất như đã nêu trên. 
 
Tại Nhân Cơ (Đắk Nông): Đã hoàn thành nhiều hạng mục công trình. Giá trị thực hiện đầu tư đạt 6.836 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và cho ra sản phẩm vào năm 2014. Nếu dư luận yêu cầu áp dụng công nghệ chế biến bauxite hiện đại hơn thì hiện nay trên thế giới chưa có.
 
Về đường vận tải alumin - Dư luận không thể "bắt vạ" Vinacomin 
 
Ngày 25/5/2013, lô sản phẩm alumin đầu tiên, gồm 15 nghìn tấn mới rót xuống tàu cho khách hàng Thụy Sỹ. Vậy mà từ lâu, dư luận đã cho rằng, việc vận tải bauxite đã phá hỏng Quốc lộ 20 và Quốc lộ 51. Dư luận này không có căn cứ, bởi, khi bùng phát dư luận, hai Dự án trên chưa ra sản phẩm alumin để mà vận chuyển. Quặng bauxite thì nằm tại chỗ, sau đó mới đưa vào các nhà máy chế biến chứ đâu phải vận chuyển trên quốc lộ như dư luận lên tiếng!
 
Thực ra, trong thời gian triển khai các dự án, nhiều lượt xe siêu trường siêu trọng chở thiết bị, vật tư cung cấp cho công trường xây dựng các Nhà máy, đã tham gia giao thông trên 2 tuyến Quốc lộ này. Tuy nhiên, lưu lượng xe vận tải chiếm rất nhỏ trong tổng lưu lượng xe tham gia giao thông. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Đồng Nai, năm 2011, trên Quốc lộ 20 có khoảng 15.000 lượt xe/ngày và trên Quốc lộ 51 có khoảng 25.000 lượt xe/ngày. Trong khi, lưu lượng xe vận tải phục vụ cho Dự án Tân Rai khoảng 140 lượt xe/ngày. Sau này, khi hai nhà máy đi vào hoạt động, nếu đạt công suất thiết kế, sản lượng alumin mỗi nhà máy chỉ có 650 nghìn tấn, bằng sản lượng của một công trường mỏ than lộ thiên.
 
Với khối lượng vận chuyển alumin và than, nguyên liệu không lớn mà nhiều ý kiến đòi hỏi Vinacomin xây dựng đường để vận chuyển là không công bằng; nếu không muốn nói đây là sự …“bắt vạ”!  Thử hỏi, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 5 dự án xi măng, công suất tới 1,1-1,2 triệu tấn/năm (tương đương với 2 dự án Alumin) liệu chủ đầu tư các dự án xi măng có phải đầu tư xây dựng đường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hay không? Bởi vậy, không thể buộc Vinacomin gánh chịu trách nhiệm khi khối lượng hàng hoá vận chuyển trên các tuyến đường lớn hơn rất nhiều so với khối lượng hàng hoá của Vinacomin. 
 
Trong nền kinh tế thị trường mỗi doanh nghiệp tham gia một lĩnh vực nhất định. Kết cấu hạ tầng (đường, điện) do Nhà nước đầu tư hoặc đấu thầu BOT cho nhà đầu tư tham gia và thu phí, doanh nghiệp vận tải trả phí. Việc vận chuyển alumina đến cảng và chuyển than đến các nhà máy do các công ty vận tải chuyên nghiệp thực hiện thông qua hợp đồng với Vinacomin. Các công ty này có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về an toàn và tải trọng; Vinacomin mở rộng hợp tác (xã hội hóa trong đầu tư) trong đó thuê vận tải chứ không đầu tư phương tiện vận tải. 
 
Dừng dự án Cảng Kê Gà không ảnh hưởng đến hai dự án bauxite Tây Nguyên 
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng Dự án xây dựng Cảng Kê Gà, nhiều ý kiến cho rằng đó là sự thừa nhận thất bại của hai Dự án bauxite ở Tây Nguyên; thậm chí đề nghị dừng tiếp các dự án thí điểm khai thác chế biến bauxite!
 
Thưa rằng, Thủ tướng quyết định dừng Dự án xây dựng Cảng Kê Gà trong thời điểm này là hợp lý và không ảnh hưởng tới hai dự án bauxite ở Tây Nguyên. Bởi, hai dự án sản xuất alumin ở Tân Rai và Nhân Cơ có khối lượng hàng hóa không lớn, trong khi năng lực các cảng hiện có trong khu vực đang dư thừa, hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa của hai dự án.
 
Ban đầu, dự kiến đầu tư cảng Kê Gà là để phục vụ cho các dự án sản xuất alumin - nhôm theo Quy hoạch bauxite năm 2007. Hiện tại Quy hoạch này đang được điều chỉnh, các dự án sản xuất alumin - nhôm đều được điều chỉnh giãn tiến độ. Bên cạnh đó khối lượng hàng hóa khác của các tỉnh trong khu vực cũng không tăng trưởng như dự kiến, do khó khăn chung của nền kinh tế. 
 
Do vậy, việc đầu tư cảng Kê Gà hiện tại là chưa cần thiết, Vinacomin đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng cảng Kê Gà và đã được Thủ tướng chấp thuận.
 
Sau khi Quy hoạch bauxite điều chỉnh được duyệt, căn cứ vào vị trí, quy mô, tiến độ các dự án sản xuất alumin - nhôm, sẽ có xem xét đầu tư cảng cho phù hợp.
 
Nguồn: VINACOMIN

Background