Tin tức - sự kiện >> Tin tức khác 

Lạc quan Bôxit

Thứ 6, 21/06/2013

 Lạc quan bôxít

Trong buổi tối cuối cùng trước khi đoàn nhà báo rời Tây Nguyên, sau một lịch trình bốn ngày làm việc dày đặc trong chuyến khảo sát hai dự án alumin Nhân Cơ và Tân Rai, một cán bộ truyền thông của Vinacomin đi cùng đoàn đã ý nhị hỏi một số nhà báo “cảm nhận về chuyến đi”. Nhiều nhà báo nói rằng, những thiện cảm về dự án đã tăng lên và sự lạc quan cũng vậy.

Câu trả lời ấy, có thể vừa xã giao, nhưng cũng phần nào đó là cảm giác thật của không ít nhà báo. Không thiện cảm sao được khi mà hầu hết các thông tin được trình bày trong chuyến khảo sát có “gam hồng” là chủ đạo, đã được Vinacomin cung cấp rất chủ động. Đi kèm với đó là những địa điểm tham quan được sắp xếp để minh chứng cho những luận điểm lạc quan ấy.

Sáng đầu tiên, vừa đặt chân xuống Tây Nguyên, sau hơn ba giờ đi ôtô (chưa kể thời gian nghỉ ăn trưa dọc đường) đoàn nhà báo được đưa thẳng từ sân bay Buôn Ma Thuột (Dăk Lăk) tới mỏ quặng chưa được cấp phép tại Dăk Nông. Tại đây, những kỹ sư của Vinacomin chỉ dùng chân gạt nhẹ đã có thể bóc lên một nắm (cục) quặng. Chiều cùng ngày, đại tá Bùi Quang Tiến, giám đốc ban quản lý (BQL) dự án Nhân Cơ cho hay: “Ở Trung Quốc muốn lấy được bôxít phải nổ mìn vì bôxít ở sâu, kẹp trong đá cứng. Nhưng bôxít Việt Nam thường lộ thiên, chỉ cần gạt lớp đất mỏng phía trên và không cần nổ mìn để khai thác”. Không những thế “nhà thầu Trung Quốc công nhận chất lượng quặng (của ta) rất tốt, tốt hơn các nước khác và dễ làm, thậm chí tốt hơn quặng họ nhập Indonesia có hàm lượng tương đương nhưng cứng và yêu cầu lượng xút, lượng xử lý nhiều hơn, nhiệt độ luyện đòi hỏi cao hơn (4500C) so với 1500C của mình”.

Hai ngày sau đó, tại công trường của nhà máy Tân Rai, chúng tôi được ông Lê Việt Quang, chủ tịch HĐTV công ty một thành viên nhôm Lâm Đồng dẫn đi thực địa khu đất đã hoàn thổ sau khai thác, trên đó đã sẵn có nhiều loại cây như sao, keo cao lúp xúp ngang đầu người. Chỉ sang khoảng đất bên cạnh cũng trồng keo, sao nhưng thấp hơn, ông Quang giải thích: các cây đó được trồng cùng một thời điểm, nhưng trồng trên đất đã khai thác bôxít thì sinh trưởng tốt hơn nhiều cây trồng trên đất chưa khai thác. Nghe vậy, nhiều nhà báo gật gù nhớ lại điều mà đại tá Bùi Quang Tiến khẳng định ở Nhân Cơ hôm trước, rằng “khai thác bôxít chỉ có thể tốt hơn cho cây trồng”.

Không những thế, hai vấn đề từng gây nhiều quan ngại cho giới khoa học là mất rừng và an toàn của hồ bùn đỏ, đại diện của hai nhà máy cũng có những phản bác. “Dự án không phá rừng nguyên sinh vì rừng nguyên sinh ở đây không còn. Số lượng rừng còn lại rất ít, chủ yếu là rừng thông trồng, mà rừng thông trồng này cũng đã đến tuổi khai thác. Chúng tôi sử dụng bao nhiêu thì chúng tôi có trách nhiệm trồng lại từng đó”, ông Quang nói. Trong khi đó, với nỗi lo mang tên hồ bùn đỏ, thay vì giải thích nguyên lý, ông phó giám đốc dự án Nhân Cơ đưa đoàn nhà báo tận mắt tham quan khu vực dự kiến làm hồ chứa. Đó là một thung lũng rộng khoảng chục hecta, hoàn toàn lọt thỏm giữa hai khe núi. Cho nên, theo vị phó giám đốc này, việc tận dụng địa hình tự nhiên sẽ khiến cho hồ rất an toàn, vì nếu so với việc tự xây đập trên một mặt bằng, thì khi đó áp lực khiến vỡ đập sẽ lớn hơn rất nhiều.

Không chỉ có cán bộ dự án lạc quan, mà cả đại diện của chính quyền sở tại được lãnh đạo nhà máy mời đến, cũng hết sức phấn khởi. Sau khi say sưa nói về những tác động tích cực của dự án alumin Tân Rai như chuyển dịch cơ cấu lao động; chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện từ nông – lâm – nghiệp sang nông lâm nghiệp – công nghiệp và dịch vụ, được tỉnh xếp là một trong bốn huyện trọng điểm của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội… ông Trần Văn Cảng, trưởng ban Tuyên giáo huyện Bảo Lâm hồ hởi: Nhờ có dự án, giá đền bù đất từ chỗ 200 – 300 triệu đồng/ha đã được nâng lên 1 tỉ đồng/ha, một số người được đền bù đất trở nên giàu có, có người mua đất ở Bảo Lộc, Sài Gòn.

Trong suốt lịch trình bốn ngày của chuyến khảo sát, thật hiếm để báo chí nghe được một sự lo lắng, bi quan của những người đứng mũi chịu sào. Có chăng, đó chỉ là “không lấy gì làm vui vẻ khi dự án không đạt hiệu quả kinh tế như dự tính ban đầu” của ông giám đốc BQL Nhân Cơ.

Nhiều phóng viên đã nói vui với nhau: nếu đúng là tốt như vậy thì phải làm bôxít lâu rồi mới phải! Phóng viên một tờ báo kinh tế thì phát biểu trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo nhà máy: Nói thật khi nghe các anh chia sẻ thì thấy dự án này có nhiều mặt tích cực và nếu vậy thì chắc sẽ không bị đưa ra thảo luận nhiều đến như vậy!

Nguồn: Công thương (Theo SGTT)

Background